Nhìn lại một chặng đường...
Từ những ngày mới thành lập, Thư viện chỉ có được số tài liệu khiêm tốn vài trăm cuốn sách, chủ yếu là sách ngoại văn và một số ít tài liệu Việt văn do các giáo sư Việt Nam biên soạn, phục vụ cho quá trình giảng dạy của bản thân người thầy.
Giai đoạn 1975 – 1985, tài liệu phục vụ học tập và giảng dạy của nhà trường chủ yếu là giáo trình do nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp phát hành, số lượng giáo trình do tập thể thầy cô của nhà trường biên soạn rất hạn chế và chủ yếu là các tập bài giảng. Từng có giai đoạn để tăng cường vốn tài liệu phục vụ, nhà trường và Thư viện đã tiến hành vận động tài trợ, chia sẻ, chi viện từ các cơ sở văn hóa giáo dục từ miền Bắc.
Giai đoạn 1986 – 1995, với những chuyển biến tích cực của nhà trường, cùng với cả nước đi vào công cuộc đổi mới, hoạt động học thuật mà cụ thể là việc biên soạn giáo trình giảng dạy theo tính chất đặc thù đào tạo của nhà trường đã cho ra đời những tài liệu đầu tiên do chính các thầy cô đang trực tiếp giảng dạy tại trường biên soạn.
Giai đoạn 1995 đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong mọi mặt hoạt động của nhà trường cùng với các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng thực tiễn. Bộ mặt thư viện cũng thay đổi rõ nét trong giai đoạn này, Thư viện Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM không còn là một thư viện nghèo nàn với những tư liệu vừa hiếm vừa cũ nữa.
Đến nay, với nguồn vốn tài liệu đồ sộ, Thư viện có thể đáp ứng cho mỗi sinh viên từ 15 đến 20 giáo trình trong một học kỳ và 10 tài liệu tham khảo mượn trong 3 tuần. Lượng sách lưu thông trong một học kỳ lên đến hơn 100,000 lượt. Đây là những con số đáng mơ ước cho bất kỳ hệ thống Thư viện trường Đại học nào.
Nếu như trước đây bạn đọc phải chấp nhận những gì Thư viện có, cam chịu với những gì thư viện cung cấp từ tài liệu, thiết bị, cung cách phục vụ đến các thiết bị phụ trợ. Thì nay, tư duy phục vụ tại Thư viện biến chuyển thành lối tư duy dịch vụ, lấy bạn đọc – khách hàng là trung tâm và mọi hoạt động đều quy chiếu về lợi ích và sự hài lòng của khách hàng. Qua đó, mọi sự tổ chức, tất cả các hoạt động và cách thức phục vụ đều hướng đến sự hài lòng và sự thuận tiện trong việc tiếp cận tri thức của bạn đọc: tổ chức kho mở tự chọn, tra tìm tài liệu trực tuyến, đội ngũ hỗ trợ tư vấn phục vụ trực tiếp và trực tuyến, chính sách phục vụ và thời gian phục vụ được cập nhật thường xuyên dựa trên phân tích nhu cầu của bạn đọc và khả năng phục vụ tối đa của Thư viện. Chính sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức ấy khiến cho hoạt động của thư viện luôn tấp nập, nhộn nhịp, thu hút đông đảo sinh viên và giảng viên, cán bộ viên chức của nhà trường.
Những cán bộ tận tâm
Từ 04 cán bộ trong những ngày đầu mới tiếp quản, số lượng cán bộ được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ không có. Trải qua nhiều thăng trầm đồng hành cùng sự phát triển của nhà trường, cho đến nay, tập thể Thư viện gồm có 13 thành viên và tỷ lệ đội ngũ cán bộ trẻ (<40 tuổi) tương đương với tỷ lệ cán bộ được đào tạo chuyên ngành Thư viện là 76.92%, mỗi cán bộ hiện nay có thể tham gia vào hầu hết các mảng công tác của đơn vị. Dù công việc khá bận rộn vì nhân lực khá ít so với số lượng đông đảo sinh viên nhưng tinh thần và thái độ phục vụ của cán bộ Thư viện không ngừng được cải thiện. Kết quả khảo sát năm học 2016 - 2017 cho thấy hơn 93,7% bạn đọc hài lòng với thái độ phục vụ của nhân viên.
Để có những kết quả như ngày hôm nay, tập thể Thư viện không thể không nhắc đến sự đóng góp và cống hiến của Quý Thầy Cô là lãnh đạo đơn vị qua các thời kỳ - những người đặt nền tảng vững chắc cho quá trình xây dựng và phát triển, đồng hành cùng sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nhà trường:
- Thầy Phạm Văn Rao – Nguyên Trưởng Thư viện
- Thầy Phan Văn Long – Nguyên Trưởng Thư viện
- Thầy Nguyễn Văn Én – Nguyên Trưởng Thư viện
- Cô Nguyễn Như Hà – Nguyên Trưởng Thư viện
- Thầy Nguyễn Sơn Hà – Nguyên Trưởng Thư viện
- Thầy Nguyễn Phước Trọng – Nguyên Trưởng Thư viện
- Cô Ngô Thị Hoa – Nguyên Trưởng Thư viện
- Cô Đoàn Bích Ngọc – Nguyên Trưởng Thư viện
- Thầy Vũ Trọng Luật – Trưởng Thư viện
Cơ cấu cán bộ hiện tại:

- Thầy Vũ Trọng Luật – Giám đốc
- Cô Bùi Thị Lan - Phó Giám đốc
- Cô Trần Thị Thanh Thủy – Tổ trưởng
- Cô Trần Thị Phương Linh – Nhân viên
- Cô Trần Thị Ngọc Ý – Nhân viên
- Thầy Nguyễn Văn Vị – Nhân viên
- Cô Nguyễn Thị Hồng Nhi – Nhân viên
- Cô Võ Thị Phượng – Tổ trưởng
- Cô Phạm Thị Ngọc Anh – Nhân viên
- Thầy Đoàn Minh Gia – Tổ trưởng
- Cô Nguyễn Thị Bảo Thể - Nhân viên
- Cô Quảng Ngọc Như Anh – Nhân viên
Thư viện ngày nay không chỉ là nơi giữ sách
Nếu như Thư viện trước đây chỉ là nơi sinh viên đến khi cần mượn giáo trình, tài liệu học tập vì ngoài chức năng giữ sách và phục vụ mượn trả tài liệu, Thư viện chưa có nhiều hoạt động bổ trợ cho quá trình nghiên cứu, học tập của sinh viên.
Ngày nay, ngoài việc tăng cường số lượng và thời gian mượn tài liệu, Thư viện còn vận động tài trợ hơn 20 bộ bàn ghế đá và bố trí nhiều bộ bàn ghế gỗ tại khuôn viên trước phòng đọc và phòng mượn để phục vụ hoạt động tự học của sinh viên.
Ngoài ra, Thư viện còn tổ chức nhiều buổi tọa đàm, giao lưu, giới thiệu sách, nói chuyện chuyên đề với nhiều nội dung phong phú thu hút sự tham gia đông đảo của các bạn sinh viên: phát triển kỹ năng mềm, kinh nghiệm tự học, kỹ năng đọc sách hiệu quả, kỹ năng chụp ảnh bằng điện thoại, hoặc gần đây nhất là chia sẻ của CEO Nguyễn Kiên Cường về các bí mật khởi nghiệp giúp các bạn sinh viên có thể biến ước mơ khởi nghiệp thành hiện thực ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đồng thời, Thư viện cũng đã tổ chức buổi Hội thảo tập huấn khai thác các CSDL trực tuyến và công cụ hỗ trợ nghiên cứu khoa học do Chuyên gia tư vấn giải pháp cao cấp của NXB Eewoww làm báo cáo viên nhằm giúp Quý Thầy Cô và các bạn sinh viên dễ dàng sử dụng nguồn cơ sở dữ liệu này.
Bên cạnh các hoạt động dành cho sinh viên, Thư viện cũng đã tổ chức nhiều đợt tập huấn nhằm trang bị kỹ năng và kiến thức chuyên ngành cho cán bộ đang làm công tác Thư viện tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác. Không dừng lại ở đó, Thư viện cũng đã tổ chức các Hội thảo quy mô với chủ đề “Quản lý, cung cấp, sử dụng nguồn tài nguyên điện tử các trường đại học trong thời kỳ hội nh ập” và “Khai thác tài nguyên số trong Thư viện: Thực trạng – Công nghệ - Giải pháp”,... thu hút nhiều đồng nghiệp từ các cơ sở giáo dục trên khắp cả nước cho ra đời nhiều bài viết có giá trị trở thành nguồn tài liệu tham khảo quý cho cộng đồng Thư viện.
Gần đây nhất là ý tưởng rất sáng tạo của Hiệu trưởng nhà trường – cải tạo tầng hầm Tòa nhà trung tâm sử dụng làm nơi phục vụ sinh viên. Nổi trội là công trình Thư viện Chất lượng cao với diện tích 1,500m2 đã được đưa vào khai thác từ tháng 09/2017 với khuôn viên được phủ wifi, máy lạnh 100%. Ngoài kho tài liệu ngoại văn giá trị với hơn 7,843 tài liệu phục vụ đọc tại chỗ, Thư viện Chất lượng cao còn gây sự chú ý đến giới truyền thông bởi việc đưa vào sử dụng nhiều khu vực phục vụ nhu cầu thư giãn - nghỉ ngơi của sinh viên: ghế salon, võng xếp, ghế massage,… với sức chứa gần 500 chỗ. Phòng học nhóm tại đây cũng là nơi sinh hoạt thường xuyên của các câu lạc bộ, đội nhóm. Thời gian tới, dự kiến sẽ tổ chức câu lạc bộ tiếng anh YOLO (You Only Live One) với mục đích giao lưu – kết bạn, chia sẻ kinh nghiệm, luyện tập giao tiếp tiếng Anh dành cho những người yêu thích và có mong muốn trao dồi Anh ngữ có thêm môi trường luyện tập, thực hành kỹ năng ngôn ngữ một cách tự nhiên và hào hứng.
Định hướng phát triển
- Xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, nhân viên Thư viện nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu hoạt động.
- Tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho Thư viện nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của nhà trường. Mở rộng các cơ hội tiếp cận với công nghệ thông tin, không ngừng hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống sách giáo trình, bài giảng, tài liệu học tập, tài liệu tham khảo,... và các giải pháp hỗ trợ sinh viên trong học tập.
- Xây dựng một hệ thống Thư viện đại học mạnh, phát triển theo hướng hiện đại, ứng dụng những thành tựu công nghệ thông tin và truyền thông mới trong việc phát triển thư viện điện tử, thư viện số. Có khả năng đáp ứng các nhu cầu thông tin của người sử dụng một cách dễ dàng, nhanh chóng.
- Không ngừng hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống sách giáo trình, bài giảng, tài liệu học tập, tài liệu tham khảo,... và các giải pháp hỗ trợ sinh viên trong học tập.
- Cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ Thông tin - Thư viện hiện đại, tăng cường các hoạt động liên kết, chia sẻ, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin cần thiết cho người học, đáp ứng nhu cầu phát triển của cộng đồng.
- Có nhiều không gian học tập chung kết nối nhiều nguồn thông tin điện tử với công nghệ thông tin và các dịch vụ hỗ trợ học tập nhằm cung cấp những dịch vụ tốt nhất đáp ứng được tối đa các nhu cầu của người học.
- Tăng cường liên kết, phối hợp hoạt động giữa các Thư viện, các trung tâm thông tin trong ngoài nước. Đặc biệt là hoạt động của các Liên hiệp thư viện khu vực và Liên hiệp thư viện các trường đại học. v Củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ với các tổ chức quốc tế về thư viện như: IFLA, CONSAL và các tổ chức quốc tế khác có khả năng tài trợ cho ngành thư viện như: Quỹ Châu Á, Quỹ SIDA của Thụy Điển, Quỹ FORD của Mỹ,...
Thay lời kết
Với mong muốn trở thành nơi hội tụ và chia sẻ tri thức, với khát vọng - niềm tin đồng hành cùng sự nghiệp giáo dục và đào tạo ra những người thầy, người thợ vững kiến thức - giỏi chuyên môn , Thư viện không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm – dịch vụ nhằm mang đến cho người học những điều kiện tốt nhất để phát huy tiềm năng sáng tạo của mình.
Cùng nhìn lại những thăng trầm, biến động đã qua và cả những đóng góp âm thầm đã thực hiện để lấy đó làm động lực và mục tiêu phấn đấu. Bằng nhiệt huyết của thế hệ trẻ và tinh thần yêu nghề của những người cán bộ thư viện hôm nay, cùng với đà tiến bộ của xã hội và sự phát triển của nhà trường, Thư viện chắc chắn vẫn sẽ là môi trường lý tưởng, là người bạn đồng hành cho quá trình tìm kiếm và chinh phục tri thức của tập thể thầy và trò dưới mái trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM giàu truyền thống và khát vọng này.